tin 131313131

131313131

Luật Hải quan sửa đổi được Quốc hội thông qua vào tháng 6-2014. Đây là một bước phát triển mới về cơ sở pháp lý để ngành Hải quan thực hiện tốt nhiệm vụ trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, góp phần bảo vệ lợi ích chủ quyền và an ninh quốc gia, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại.

Luật Hải quan 2014 quy định rõ việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hải quan, hiện đại hóa quản lý hải quan, thay đổi căn bản phương thức thực hiện thủ tục hải quan từ phương thức truyền thống, bán điện tử sang phương thức điện tử, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính về hải quan, áp dụng các nguyên tắc quản lý để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý hải quan, tăng cường công tác bảo vệ an ninh quốc gia và an ninh kinh tế nhằm phòng chống buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới, gian lận thương mại.

Luật chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2015. Những quy định mới trong Luật Hải quan 2014 gồm:

Thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia trong hoạt động nghiệp vụ hải quan: Theo đó cho phép người khai hải quan gửi thông tin, chứng từ điện tử để thực hiện thủ tục hải quan và thủ tục của cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thông qua một hệ thống thông tin tích hợp. Cơ quan quản lý nhà nước quyết định cho phép hàng hóa được xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; cơ quan Hải quan quyết định thông quan, giải phóng hàng hóa trên hệ thống thông tin tích hợp.

Áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra, giám sát hải quan, kiểm tra sau thông quan. Nguyên tắc, cách thức thực hiện quản lý rủi ro được quy định tại các Điều 16, Điều 17 và Điều 78 Luật Hải quan 2014.

Quy định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực hải quan tại Điều 10.

Quy định mới về việc thành lập Cục Hải quan: giao cho Chính phủ căn cứ vào khối lượng công việc, quy mô, tính chất hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, đặc thù, điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa bàn để quy định tiêu chí thành lập Cục Hải quan.

Giao nhiệm vụ cho cơ quan Hải quan xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trên cơ sở kiểm tra nội dung khai của người khai hải quan, chứng từ thuộc hồ sơ hải quan và kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa.

Quy định về việc xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan của hàng hóa trước khi làm thủ tục hải quan.

Quy định cụ thể điều kiện là đại lý làm thủ tục hải quan bao gồm: Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có ngành, nghề kinh doanh dịch vụ giao nhận hàng hóa hoặc đại lý làm thủ tục hải quan; Có nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan; Có hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng điều kiện để thực hiện khai hải quan điện tử và các điều kiện khác theo quy định. Nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan phải là công dân Việt Nam và đáp ứng đủ các điều kiện: Có trình độ cao đẳng kinh tế, luật, kỹ thuật trở lên; Có chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan; Được cơ quan hải quan cấp mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan.

Về thời hạn nộp hồ sơ hải quan đối với hàng xuất khẩu: nộp sau khi đã tập kết hàng hóa tại địa điểm người khai hải quan thông báo và chậm nhất là 4 giờ trước khi phương tiện vận tải xuất cảnh; đối với hàng hóa xuất khẩu gửi bằng dịch vụ chuyển phát nhanh thì chậm nhất là 2 giờ trước khi phương tiện vận tải xuất cảnh.

Thời hạn cơ quan hải quan làm thủ tục hải quan: Hoàn thành việc kiểm tra hồ sơ chậm nhất là 2 giờ làm việc kể từ thời điểm cơ quan hải quan tiếp nhận đầy đủ hồ sơ hải quan; Hoàn thành việc kiểm tra thực tế hàng hóa chậm nhất là 08 giờ làm việc kể từ thời điểm người khai hải quan xuất trình đầy đủ hàng hóa cho cơ quan hải quan. Trường hợp lô hàng có số lượng lớn, nhiều chủng loại hoặc việc kiểm tra phức tạp thì thủ trưởng cơ quan hải quan nơi làm thủ tục hải quan quyết định việc gia hạn thời gian kiểm tra thực tế hàng hóa, nhưng thời gian gia hạn tối đa không quá 2 ngày. Để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, cơ quan hải quan thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa cả vào ngày lễ, ngày nghỉ và ngoài giờ làm việc nếu điều kiện thực tế của địa bàn hoạt động hải quan cho phép.

Quy định mới về khai hải quan: Người khai hải quan được nộp tờ khai hải quan chưa hoàn chỉnh hoặc chứng từ thay thế tờ khai hải quan để thông quan đối với trường hợp doanh nghiệp ưu tiên hoặc hàng hóa phục vụ yêu cầu khẩn cấp, hàng hóa chuyên dùng phục vụ an ninh, quốc phòng. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan chưa hoàn chỉnh hoặc kể từ ngày nộp chứng từ thay thế tờ khai hải quan, người khai hải quan phải nộp tờ khai hải quan hoàn chỉnh và các chứng từ liên quan thuộc hồ sơ hải quan.

Các trường hợp khai phải khai hải quan giấy

Hiện nay, hầu hết hàng hóa XNK đều thực hiện khai hải quan điện tử, tuy nhiên, trong một số trường hợp vẫn phải thực hiện khai hải quan giấy, tại dự thảo Thông tư đã nêu rõ các trường hợp: Cư dân biên giới, hàng vượt định mức miễn thuế; Hàng cứu trợ, viện trợ; quà biếu, tặng, tài sản di chuyển; Phương tiện quay vòng; hàng hóa phục vụ công việc; Chuyển đổi mục đích sử dụng, tiêu thụ nội địa: đăng ký tờ khai hải quan mới (lưu ý: chính sách quản lý, chính sách thuế).

Bên cạnh đó, sẽ thực hiện khai hải quan giấy trong trường hợp Hệ thống Hải quan điện tử gặp sự cố; Khai trên tờ khai khác nhau đối với các loại hình khác nhau. Khai hải quan với nhiều hợp đồng hoặc đơn hàng.

Đối với việc đăng ký tờ khai hải quan một lần, XNK nhiều lần cũng được dự thảo Thông tư quy định rõ các điều kiện: Sử dụng tờ khai hải quan điện tử; Cùng hợp đồng, cùng người mua, cùng người bán, qua cùng cửa khẩu; Thời hạn tờ khai không quá 1 năm; hoặc tờ khai không còn giá trị do thay đổi về chính sách thuế, chính sách mặt hàng.

Cho phép khai nhiều hóa đơn trên 1 tờ khai

Triển khai quy định này, tại Điều 18 Dự thảo Thông tư hướng dẫn về khai khải quan trên nguyên tắc khai: Cho phép khai nhiều hóa đơn trên 1 tờ khai. Khai đối với hàng hóa là phương tiện vận tải đã làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh. Cùng với đó, quy định cho phép người khai hải quan được sử dụng kết quả giám định, phân tích để khai.

Đồng thời hướng dẫn việc khai trong một số trường hợp cụ thể: khai quá 50 dòng hàng. Khai gộp đối với các mặt hàng có cùng mã HS, xuất xứ, thuế suất (áp dụng cho các loại hình XK, NK để sản xuất, SXXK, GC, chế xuất); Trường hợp một mặt hàng có số tiền thuế vượt số ký tự của ô số tiền thuế trên tờ khai. Trường hợp hàng hóa có số lượng vượt quá 2 số, trị giá hóa đơn vượt quá 4 số, đơn giá hóa đơn vượt quá 06 số sau dấu thập phân; Khai số phương tiện vận tải, ngày khởi hành, cảng xuất khẩu; Khai trong trường hợp phát hiện hàng xuất khẩu thừa, thiếu.

Thông tin khai trước được lưu giữ tối đa là 7 ngày

Riêng đối với trường hợp khai trước thông tin hàng hóa XK, NK, dự thảo Thông tư quy định, thông tin khai trước có giá trị sử dụng và được lưu giữ trên Hệ thống tối đa là 7 ngày. Người khai hải quan được sửa đổi, bổ sung các thông tin đã khai trước trên Hệ thống và không giới hạn số lần sửa đổi, bổ sung. Người khai hải quan tiếp nhận, kiểm tra thông tin phản hồi từ Hệ thống để khai chính thức, sử dụng nghiệp vụ IDA

Thời hạn nộp tờ khai hải quan đối với hàng hóa XK là sau khi đã tập kết hàng hóa tại địa điểm do người khai hải quan thông báo và chậm nhất 4 giờ trước khi phương tiện vận tải xuất cảnh (riêng hàng hóa gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh là 2 giờ). Đối với hàng hóa NK: Trước ngày hàng hóa đến cửa khẩu hoặc 30 ngày kể từ ngày hàng hóa đến cửa khẩu.

 

Giảm bớt các trường hợp hàng hóa được miễn kiểm tra thực tế: Theo quy định của Luật Hải quan 2014, chỉ có các trường hợp sau là được miễn kiểm tra thực tế khi làm thủ tục hải quan: Hàng hóa phục vụ yêu cầu khẩn cấp; Hàng hóa chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh; Hàng hóa thuộc trường hợp đặc biệt khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với hàng hóa phải kiểm tra, phân tích, giám định để xác định có đủ điều kiện được xuất khẩu, nhập khẩu, cơ quan hải quan chỉ thực hiện thông quan hàng hóa sau khi xác định hàng hóa được xuất khẩu, nhập khẩu trên cơ sở kết luận kiểm tra, phân tích, giám định hoặc thông báo miễn kiểm tra của cơ quan kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật.

Đối với trường hợp hàng hóa đủ điều kiện để được xuất khẩu, nhập khẩu nhưng chưa xác định được số thuế chính thức phải nộp nhưng người khai hải quan đã nộp thuế hoặc được tổ chức tín dụng bảo lãnh số thuế trên cơ sở tự kê khai, tính thuế của người khai hải quan thì cơ quan Hải quan cho phép xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa (Quyết định giải phóng hàng).

Quy định cụ thể trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi trong hoạt động giám sát hải quan: Bố trí địa điểm để lắp đặt phương tiện, thiết bị kỹ thuật phục vụ giám sát hải quan theo yêu cầu của cơ quan Hải quan; Kết nối hệ thống thông tin quản lý hàng hóa của doanh nghiệp với hệ thống thông quan điện tử của cơ quan Hải quan; Thực hiện đầy đủ chế độ quản lý, thống kê, lưu giữ chứng từ, sổ sách, số liệu hàng hóa đưa vào lưu giữ, đưa ra khỏi khu vực cảng, kho, bãi; Cung cấp thông tin và phối hợp với cơ quan Hải quan trong việc theo dõi, kiểm tra, giám sát hàng hóa ra, vào, lưu giữ tại khu vực cảng, kho, bãi; Bảo quản, sắp xếp, lưu giữ nguyên trạng hàng hóa trong khu vực cảng, kho, bãi theo yêu cầu giám sát, quản lý của cơ quan Hải quan; Chỉ cho phép vận chuyển hàng hóa ra, vào khu vực cảng, kho, bãi khi có chứng từ của cơ quan hải quan; Thực hiện quyết định của cơ quan có thẩm quyền về xử lý hàng hóa vi phạm.

Về chế độ ưu tiên đối với doanh nghiệp: Luật Hải quan 2014 bổ sung Mục 2 chương III gồm các Điều từ 42 đến Điều 45 quy định về chế độ ưu tiên đối với doanh nghiệp: Điều kiện áp dụng chế độ ưu tiên; Chế độ ưu tiên đối với doanh nghiệp; Trách nhiệm của cơ quan hải quan trong việc thực hiện chế độ ưu tiên; Trách nhiệm của doanh nghiệp được áp dụng chế độ ưu tiên.

Về công tác chống buôn lậu: Trong khi thực hiện nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu, trường hợp có căn cứ xác định hàng hóa buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới, phương tiện vận tải chở hàng hóa buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới đang di chuyển từ địa bàn hoạt động hải quan ra ngoài địa bàn hoạt động hải quan thì cơ quan Hải quan tiếp tục truy đuổi, thông báo cho cơ quan Công an, Bộ đội Biên phòng, cảnh sát biển, quản lý thị trường trên địa bàn để phối hợp, đồng thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn, xử lý theo quy định của pháp luật. Việc dừng, truy đuổi phương tiện vận tải nước ngoài đang đi trong vùng biển Việt Nam được thực hiện theo quy định của Luật biển Việt Nam.

Luật Hải quan 2014 quy định cơ quan Hải quan được thực hiện, phối hợp thực hiện tuần tra, kiểm soát nhằm ngăn ngừa hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới tại vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải; thực hiện các biện pháp ngăn chặn và xử lý vi phạm theo thẩm quyền trong vùng nội thủy, lãnh hải phù hợp với quy định của Luật biển Việt Nam.

Bổ sung Chương VI gồm 6 Điều quy định về thông tin hải quan và thống kê hàng hóa xuất khẩu nhập khẩu.

Ngoài ra Luật Hải quan 2014 còn có quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế số 78/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 21/2012/QH13 và Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13.

 

Bãi bỏ 1 số loại chừng từ cần nộp trong bộ tờ khai hải quan

Tờ khai hải quan đối với hàng hóa XK sẽ bao gồm: Tờ khai hải quan XK, Giấy phép XK, Giấy thông báo miễn kiểm tra hoặc giấy thông báo kết quả kiểm tra của cơ quan chuyên ngành.

Như vậy, so với quy định hiện hành, quy định mới bãi bỏ quy định nộp 5 loại chứng từ: Hợp đồng mua bán hàng hóa, hợp đồng ủy thác XK; Hóa đơn XK; Bảng kê chi tiết hàng hoá; Văn bản xác định trước mã số, trị giá hải quan; Các chứng từ khác theo quy định của các Bộ, Ngành có liên quan.

Đối với bộ hồ sơ hải quan hàng hóa NK, theo quy định mới sẽ chỉ còn: Tờ khai hải quan NK; Hóa đơn thương mại; Vận đơn, chứng từ tương đương; Giấy phép; Giấy thông báo miễn kiểm tra hoặc Giấy thông báo kết quả kiểm tra chuyên ngành.

So với quy định hiện hành, bộ hồ sơ hải quan hàng NK đã loại bỏ 4 loại chứng từ: Hợp đồng mua bán hàng hóa NK; Chứng thư giám định; Văn bản xác định trước mã số, trị giá hải quan, xuất xứ; Các chứng từ khác có liên quan theo quy định của pháp luật đối với từng mặt hàng cụ thể.

Riêng bộ hồ sơ đối với hàng hóa XK, NK miễn thuế, ngoài hồ sơ như đối với hàng hóa XK, NK có thuế sẽ phải có: Danh mục hàng hóa miễn thuế kèm Phiếu theo dõi trừ lùi; Giấy báo trúng thầu hoặc Giấy chỉ định thầu.

Bộ hồ sơ đối với hàng hóa XK, NK không chịu thuế, ngoài hồ sơ như đối với hàng hóa XK, NK có thuế, phải có: Tờ khai xác nhận viện trợ không hoàn lại của cơ quan tài chính; Giấy báo trúng thầu hoặc Giấy chỉ định thầu; Giấy đăng ký kinh doanh giống vật nuôi, giống cây trồng (đối với hàng hóa là giống vật nuôi, cây trồng không chịu thuế VAT); Giấy xác nhận của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng (đối với hàng hóa là vũ khí, khí tài).

[ Tổng hợp từ Báo Hải quan]

 

Tin mới đăng

Tin gần đây